PHÂN TRÙN QUẾ - CÔNG THỨC BIẾN RÁC THÀNH "VÀNG" HỮU CƠ

Ngày: 25/10/2021 lúc 15:37PM

Trong những thập niên gần đây, vai trò dinh dưỡng của phân trùn quế trong các lĩnh vực nông nghiệp đã thực sự thu hút được nhiều sự chú ý. 

Bên cạnh sự phát triển của nông nghiệp hiện nay, quản lý chất thải được coi là một phần không thể thiếu của một xã hội bền vững, do đó đòi hỏi phải chuyển đổi các phần có thể phân hủy sinh học thành nguồn phân hữu cơ tốt. 

Nuôi trùn và sản xuất phân trùn quế đang là một trong những giải pháp hàng đầu. 

Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn tất cả bí mật về phân trùn quế, dinh dưỡng, chất thúc đẩy tăng trưởng tự nhiên, chất bảo vệ cây trồng, ứng dụng như thế nào?... 

Và tất nhiên là quy trình để sản xuất phân trùn quế tại nhà, đơn giản, tận dụng nguồn rác thải dư thừa từ nhà bếp.

1- Giới thiệu về phân trùn quế

1.1- Hiểu như thế nào mới đúng về phân trùn quế

Phân trùn quế (phân thải của trùn quế / giun đất) là loại phân hữu cơ dinh dưỡng giàu mùn, NPK, vi lượng, vi sinh có lợi cho đất; cố định nitơ, vi khuẩn hòa tan photphat, xạ khuẩn và hormone sinh trưởng auxin, gibberlins & cytokinin. 

Cả phân trùn quế và chất lỏng trong cơ thể của giun (vermiwash) đều được chứng minh là chất thúc đẩy tăng trưởng & chất bảo vệ cho cây trồng.

Nuoi giun san xuat phan trun que

Nuôi giun phân hủy rác thải hữu cơ thành nguồn phân bón giàu dinh dưỡng

(By photography taken by Christophe.Finot - Own work, CC BY-SA 3.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=39929430)

Phân trùn quế có khả năng cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của đất. 

Nuôi trùn quế là một quá trình mà tất cả các loại chất thải dễ phân hủy sinh học như chất thải nông trại, chất thải nhà bếp, chất thải chợ, chất thải sinh học của các ngành nông nghiệp, chất thải chăn nuôi... được chuyển hóa trong khi đi qua ruột trùn thành phân trùn quế giàu chất dinh dưỡng. 

Trùn quế được sử dụng ở đây hoạt động như tác nhân sinh học để tiêu thụ những chất thải đó và lắng đọng phân trong quá trình gọi là phân trùn quế.

Phân trùn quế chứa rất nhiều chất dinh dưỡng hòa tan trong nước và là một loại phân hữu cơ tuyệt vời, giàu chất dinh dưỡng và chất điều hòa đất. Nó được sử dụng trong canh tác hữu cơ, bền vững quy mô nhỏ. 

1.2- Phân trùn hiện nay ra sao?

Phân trùn quế đã trở nên phổ biến ở cả môi trường công nghiệp và gia đình vì so với cách làm phân trộn thông thường, nó cung cấp một cách xử lý chất thải hữu cơ nhanh chóng hơn. 

Trong quá trình ủ phân, nó cũng tạo ra các sản phẩm có độ mặn thấp hơn.

Chứa nhiều chất dinh dưỡng hòa tan trong nước, phân trùn quế là một loại phân hữu cơ giàu dinh dưỡng và chất điều hòa đất ở dạng tương đối dễ hấp thụ cho cây trồng. 

Phân giun đôi khi được sử dụng như một loại phân bón hữu cơ. Bởi vì giun đất nghiền và trộn đồng nhất các khoáng chất ở dạng đơn giản, cây trồng hấp thu một cách đơn giản nhất.

Hệ tiêu hóa của giun tạo ra môi trường cho phép một số loài vi sinh phát triển mạnh, tạo hệ vi sinh vật hữu ích, giúp tạo ra môi trường đất "sống" cho thực vật.

1.3- Giun quế và các đặc tính sinh học quan trọng bạn nên biết

Giun đất thuộc họ Lumbricidae. Giun đất là loài lưỡng tính nhưng khả năng tự thụ tinh là rất hiếm. 

Kén hoặc trứng to nhỏ khác nhau tùy theo loài giun đất. Màu sắc kén thay đổi khi lão hóa. 

Khi được 6 tuần tuổi, trùn quế bắt đầu đẻ kén. Trong điều kiện thời tiết và thức ăn thuận lợi, một cặp giun đất có thể tạo ra khoảng 100 kén trong vòng 6 tuần đến 6 tháng. Kén ủ khoảng 3 - 5 tuần. 

Giun đất có khả năng tái tạo các phân đoạn cơ thể bị mất đi do tác động vật lý trong quá trình thao tác. 

Giun trưởng thành có thể sống khoảng hai năm. Giun đã trưởng thành có thể được tách ra và sấy khô trong lò để làm “bột trùn”, một nguồn giàu protein (70%), thường được dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và cá.

Đây là một số đặc điểm sinh học chung của giun. Chúng ta sẽ cùng điểm lại những thông tin quan trọng hơn trong phần "sản xuất phân trùn quế", để có thể cung cấp 1 điều kiện tối ưu cho sinh trưởng và sinh sản của trùn.

2- Tính chất và dinh dưỡng của phân giun quế

Phân trùn quế là một chất phụ gia tuyệt vời cho đất. 

Phân giun có hàm lượng chất dinh dưỡng và vi sinh vật cao hơn nhiều so với đất trồng thông thường. 

Phần này, chúng ta sẽ so sánh dinh dưỡng của phân trùn quế và đất thông thường, để thấy rõ tiềm năng to lớn mà phân trùn quế có thể mang lại.

Phân giun chứa tới 5 lần chất dinh dưỡng cần thiết cho cây so với hàm lượng được tìm thấy trong hỗn hợp đất trồng bình thường. 

Phân tích thành phần hóa học cho thấy rằng nó chứa lượng nitơ cao gấp 5 lần lượng nitơ có sẵn, gấp 7 lần lượng kali có sẵn và gấp 1,5 lần lượng canxi được tìm thấy trong các mẫu đất được so sánh.

Phân trùn quế chứa trung bình 1,5% - 2,2% N, 1,8% - 2,2% P và 1,0% - 1,5% K. Cacbon hữu cơ nằm trong khoảng từ 9,15 đến 17,98 và chứa các vi chất dinh dưỡng như Natri (Na), Canxi (Ca), Kẽm (Zn), Lưu huỳnh (S), Magie (Mg) và Sắt (Fe). 

Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng phân trùn quế chứa tỷ lệ phần trăm dinh dưỡng vi lượng và đa lượng cao hơn (gần hai lần) so với phân trộn thông thường trong vườn.

Phân trùn quế có chứa các enzym như amylase, lipase, cellulase và chitinase, có thể phân hủy chất hữu cơ trong đất để giải phóng chất dinh dưỡng và cung cấp cho rễ cây.

3- Phân trùn quế có lợi ích gì? Ứng dụng ra sao?

3.1- Cải tạo đất, kích thích cây trồng, giá trị kinh tế, ứng dụng cây trồng

Phân trùn quế đã được rất nhiều nghiên cứu chứng minh là giàu dinh dưỡng hơn so với các phương pháp ủ khác, và nó cũng hoạt động tốt khi bón cho cây trồng, với vai trò cung cấp dinh dưỡng hiệu quả.

Phân trùn cũng có hệ vi sinh vật có lợi rất lớn, giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng có sẵn trong đất thành các dạng có sẵn cho cây trồng.

Trong đó, vi sinh vật có lợi hoạt động trong đất hiệu quả như thế nào, các bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết "Ủ phân hữu cơ từ rác thải nhà bếp để trồng cây"

Không giống như các loại phân trộn khác, phân trùn quế còn chứa chất nhầy trùn giúp ngăn chất dinh dưỡng bị rửa trôi trong lần tưới đầu tiên và giữ ẩm tốt hơn so với đất thường.

Từ đó, chúng ta có thể thấy, phân trùn quế có những lợi ích rõ ràng sau:

*Đất:

  • - Cải thiện độ thoáng khí của đất
  • - Làm giàu đất bằng các vi sinh vật có lợi, hệ enzyme như phosphatase, cellulase
  • - Hoạt động của vi sinh vật trong phân trùn cao gấp 10 đến 20 lần so với trong đất và chất hữu cơ mà trùn ăn vào
  • - Cải thiện khả năng giữ nước

*Sự phát triển của cây trồng

  • - Tăng cường sự nảy mầm, phát triển của cây và năng suất cây trồng
  • - Giúp phát triển rễ và cây
  • - Làm giàu đất bằng các vi sinh vật bổ sung các kích thích tố thực vật như auxin và axit gibberellic 

*Khía cạnh kinh tế

  • - Chuyển đổi chất thải sinh học làm giảm lưu lượng chất thải đến các bãi chôn lấp
  • - Việc sản xuất phân trùn quế cũng tạo ra nguồn công việc đòi hỏi kỹ năng thấp ở cấp địa phương
  • - Vốn đầu tư thấp và công nghệ tương đối đơn giản làm cho phân trùn quế trở nên thiết thực đối với các vùng nông nghiệp kém phát triển

*Ví dụ về lợi ích ở cây ngũ cốc, cây ăn quả và rau

  • - Phân trùn có tác động nông học lớn đối với cây ngũ cốc, giúp tăng số lượng các chất cố định đạm, xạ khuẩn và nấm rễ giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, tăng trưởng tốt hơn.
  • - Ở cây lúa mì trồng với phân trùn quế, sự phát triển tăng 39%, năng suất ngũ cốc tăng 35%, nâng giá trị protein của hạt lên 20%.
  • - Nghiên cứu cho thấy chất thải trùn quế giúp tăng năng suất nho lên gấp hai lần so với phân bón hóa học. Cây nho được xử lý bằng phân trùn quế tạo ra nhiều nho hơn, chất lượng quả cũng tăng đáng kể
  • - Giun và phân trùn quế đã thúc đẩy sự phát triển tuyệt vời của cây rau với nhiều hoa và quả phát triển hơn. Tỷ lệ bệnh “Khảm tĩnh mạch vàng”, “Thối màu” và “Bệnh phấn trắng” ở các cây được bón trùn quế và phân trùn quế ít hơn đáng kể
  • - Ngoài việc tăng khả năng phát triển và năng suất của cây trồng, phân trùn quế cũng có thể làm tăng chất lượng dinh dưỡng của một số cây rau như cà chua, cải thảo, rau bina, dâu tây và rau diếp.

3.3- Các vai trò có lợi quan trọng của phân trùn

3.3.1 Phân giun có hàm lượng mùn rất cao

Chất mùn giúp cho đất thông thoáng, tăng khả năng giữ nước lên đến 55%.

Acid humic có trong mùn cung cấp các vị trí liên kết cho các chất dinh dưỡng của cây, chẳng hạn như calci, sắt, kali, lưu huỳnh, phosphore. 

Acid humic trong đất mùn rất cần thiết cho cây trồng: 

a) Cho phép cây hút chất dinh dưỡng từ đất; 

b) Giúp phân giải các chất khoáng chưa phân giải để tạo thành chất hữu cơ sẵn sàng cho cây trồng sử dụng; 

c) Kích thích sự phát triển của rễ;

d) Giảm stress ở cây. 

Sự hiện diện của mùn trong đất thậm chí còn giúp phân bón hóa học hoạt động tốt hơn.

3.3.2 Mùn còn có tác dụng ngăn ngừa mầm bệnh

Chất mùn có tác dụng ngăn ngừa các mầm bệnh, nấm, tuyến trùng và vi khuẩn có hại cho cây trồng.

Phân trùn quế có khả năng chống lại các bệnh truyền qua đất như thối rễ. 

Chất mùn cũng làm tăng khả năng thấm nước và khả năng giữ nước, góp phần giúp cây trồng khỏe hơn và sử dụng hiệu quả hơn độ ẩm của đất.

3.3.3 Vi sinh vật có lợi trong phân trùn

Phân trùn là chất độn có hoạt tính sinh học có chứa hàng  nghì vi khuẩn, enzyme có lợi.

Trùn quế có thể được xem như "máy lọc vi sinh vật có ích". Giun chọn lọc vi sinh vật hữu ích trong đường ruột, và hoạt tính vi sinh vật có ích trong phân trùn quế cao hơn đến 20 lần so với trong đất các các chất hữu cơ

Trong đó, nổi bật là các nhóm vsv cố định đạm, phân giải lân, xạ khuẩn và nấm rễ.

3.3.4 Hoạt động sống của giun như một "đống ủ thu nhỏ"

Độ ẩm, độ pH và quần thể vi sinh vật trong ruột được duy trì một cách cân bằng và thuận lợi cho mối quan hệ cộng sinh giữa các loài.

Trùn quế nuốt 1 lượng lớn đất với chất hữu cơ hằng ngày, nghiên vụn chúng bằng hệ enzyme và vi sinh vật có ích, nhưng chỉ giữ lại 5-10% để tiêu hóa, còn lại được thải ra thành một hỗn hợp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

3.3.5 Tham gia vào hoạt động điều hòa sinh trưởng của cây trồng

Một số nghiên cứu cũng đã báo cáo rằng phân trùn quế chứa hormone thúc đẩy tăng trưởng “auxin”, “cytokinins” và hormone ra hoa “gibberellins” do giun đất tiết ra.

Điều này tạo ra những tác động tích cực của phân trùn như kích thích hạt nảy mầm, kích thích phát triển chồi, tăng diện tích lá, phân nhánh...

3.3.6 Giảm thiểu sự tấn công của sâu bọ

Trùn quế sản sinh ra các enzyme chitinase, phá vỡ chitin trong bộ xương các loài côn trùng. Chính vì thế mà giảm được số lượng đáng kể bọ rầy, bọ xít, rệp, bọ cánh cứng...

3.3.7 Làm thức ăn chăn nuôi

Giun đất là một nguồn giàu protein động vật cũng như các acid amin thiết yếu, chất béo, vitamin và khoáng chất cho gia súc, chim và cá.

Và hiện nay, cũng rất nhiều nghiên cứu ứng dụng giun đất trong vai trò là vị thuốc quý chữa bệnh.

4- Tự làm phân trùn quế tại nhà - Biến rác thành "vàng"

Hiện nay, có 2 quy mô thường thấy trong sản xuất phân trùn quế là quy mô công nghiệp/thương mại: sử dụng nguồn cơ chất nuôi giun là phân bò, bùn thải ở các khu xử lý nước thải, chất thải nhà máy bia, bông, chất thải nông nghiệp, rác quán ăn... và quy mô nhỏ/hộ gia đình" sử dụng phế liệu nhà bếp như trái cây thừa, rau, bã cà phê, trà túi lọc, các loại ngũ cốc, vỏ trứng, giấy,...

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng đến quy trình thực hiện nuôi trùn ở quy mô nhỏm tại nhà, hộ gia đình đơn giản mà hiệu quả, hộ gia đình và các trang trại có thể thực hiện được.

4.1- Cách làm phân trùn quế đơn giản mà hiệu quả

Bước 1: Chuẩn bị thùng nuôi giun

Để làm phân trùn quế tại nhà, nhiều loại thùng có bán trên thị trường, hoặc có thể sử dụng nhiều loại thùng phù hợp. 

Chúng có thể được làm bằng thùng nhựa cũ, gỗ, thùng xốp , hoặc thùng kim loại. Thiết kế của một thùng nhỏ thường phụ thuộc vào nơi cá nhân muốn cất thùng và cách họ muốn cho giun ăn.

Thùng cần có lỗ hoặc lưới để thông khí. Một số người bổ sung thêm một vòi hoặc lỗ ở đáy để chất lỏng dư thừa thoát vào khay để thu gom.

Vật liệu phổ biến nhất được sử dụng là nhựa: polyethylene tái chế và polypropylene và gỗ. 

Thùng ủ phân giun làm từ nhựa là lý tưởng nhất, nhưng cần thoát nước nhiều hơn thùng gỗ vì chúng không thấm nước.

Thùng cũng cần có nắp hoặc có thể che đậy để phòng tránh mưa, côn trùng,chuột,  hó mèo trong khi ủ

Bước 2: Chuẩn bị rác thải hữu cơ và trùn

Hãy tập cho gia đình bạn phân loại rác, để có được rác thải hữu cơ xanh mà trùn có thể dễ ăn.

Thảo khảo thêm quy trình phân loại rác tại bài viết "........."

Trùn quế chúng ta có thể đào đất tự nhiên hoặc mua tại các cửa hàng bán dụng cụ câu cá.

Bước 3: Chuẩn bị đất trộn

Tùy vào thùng chứa đã chuẩn bị, trộn đất và rác hữu cơ theo từng lớp. Cứ 1 lớp đất khoảng 10cm thì rải 1 lớp rác hữu cơ (nên cắt nhỏ rác)

Bước 4: Cho khoảng 2-7kg sinh khối trùn vào trong thùng ủ (tùy theo kích thước của thùng chứa).

Có thể bổ sung thêm rác hữu cơ trong quá trình nuôi để duy trì nguồn thức ăn cho trùn quế.

Bước 5: Theo dõi hằng ngày, kiểm tra các yếu tố mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần tiếp theo để duy trì hoạt động sống của trùn

bo sung rac huu co lam thuc an cho giun

Ô nuôi giun quy mô trung bình (1m x 2.5m x 1m)

(By Red58bill - Own work, CC BY 3.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=6100910)

4.2- Theo dõi và điều kiện duy trì sức khỏe giun

*Có mùi 

Khi đóng lại, thùng được bảo dưỡng tốt sẽ không có mùi; khi mở ra, nó phải có ít mùi — nếu có mùi thì đó là mùi đất.

Mùi cũng có thể phụ thuộc vào loại vật liệu ủ cho vào thùng. Thùng rác không lành mạnh có thể bốc mùi, có thể do điều kiện oxy thấp. 

Giun cần oxy. Ôxy có thể được cung cấp bởi các lỗ thông khí trong thùng, thỉnh thoảng khuấy các chất trong thùng và loại bỏ một số chất trong thùng nếu chúng trở nên quá sâu hoặc quá ẩm ướt. 

Nếu quá trình phân hủy trở nên kỵ khí từ nguyên liệu thừa ướt được thêm vào thùng, hoặc các lớp chất thải thực phẩm đã trở nên quá sâu, thùng sẽ bắt đầu có mùi amoniac.

=> Có thể tham khảo thêm một số chế phẩm EM Bio Spray của chúng tôi, khử mùi thùng nuôi và cung cấp hệ vi sinh vật có lợi cho đất và trùn quế

*Độ ẩm 

Độ ẩm phải được duy trì tối thiểu trên 50%, vì độ ẩm thấp hơn sẽ không hỗ trợ quá trình hô hấp của giun và có thể làm tăng tỷ lệ chết của giun. 

Phạm vi độ ẩm hoạt động nên từ 70 đến 90%. Kiểm tra độ ẩm bằng cách nắm đất trên tay, nếu đất rỉ nước ra và vón cục vừa phải sau khi nắm là được.

Nếu quá trình phân hủy trở nên yếm khí, để phục hồi tình trạng này, lượng nước thải dư thừa phải được giảm bớt bằng cách mở van, ống nước ở đáy thùng. hoặc bổ sung những chất độn khô như giấy khô cắt nhỏ, trấu

*Giun thoát ra 

Giun thường ở trong thùng, nhưng có thể cố gắng rời khỏi thùng khi mới được đưa vào, hoặc thường xảy ra khi sau một trận mưa, độ ẩm bên ngoài cao.

Duy trì các điều kiện thích hợp trong thùng giun và đặt đèn chiếu sáng vào thùng khi lần đầu tiên đưa giun vào nuôi sẽ giúp loại bỏ vấn đề này.

*Chết giun với số lượng lớn và nhỏ

Giun chết vì những lý do sau:

  • • Nếu chúng không có đủ thức ăn, do đó thức ăn nên được chôn vào lớp đệm lót.
  • • Thực phẩm có thể quá khô, vì vậy cần duy trì độ ẩm cho đến khi hơi ẩm.
  • • Thức ăn có thể quá ướt, trong trường hợp đó nên lót thêm lớp lót.
  • • Giun có thể quá nóng, vì vậy nên đặt thùng trong bóng râm.

4.3- Thu hoạch phân trùn quế

Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ ủ phân bao gồm khí hậu và phương pháp ủ phân. 

Có những dấu hiệu cần tìm để xác định xem phân trộn đã hoàn thành hay chưa.

Phân trộn thành phẩm sẽ có màu sẫm và ẩm như một miếng bọt biển ẩm. 

Về cuối quá trình, vi khuẩn làm chậm tốc độ chuyển hóa thức ăn hoặc ngừng hẳn. 

Có khả năng một số chất hữu cơ rắn vẫn còn tồn tại trong phân trộn tại thời điểm này, nhưng nó có thể ở lại và tiếp tục phân hủy. 

Phân trộn nên được bảo dưỡng sau khi hoàn thành để cho phép loại bỏ acid theo thời gian để nó trở nên trung tính hơn, có thể mất đến ba tháng. 

phan trun que chuan bi thu hoach

Phân trùn quế chuẩn bị được thu hoạch

(By Red58bill - Own work, CC BY 3.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=6023419)

 

*Phương pháp thu hoạch

Phân trùn quế sẵn sàng để thu hoạch khi nó chứa ít hoặc không có vụn thức ăn thừa hoặc chất độn chuồng.

Phương pháp thu hoạch phân trùn theo phương pháp kim tự tháp thường được sử dụng trong sản xuất phân trùn quế quy mô nhỏ và được coi là phương pháp đơn giản nhất. 

Hỗn hợp phân sau khi ủ được xếp thành từng đống nhỏ như kim tự tháp, trên tấm bạt dưới ánh sáng mặt trời. Theo bản năng, những con giun chui xuống đáy đống.

Sau một vài phút, đỉnh của kim tự tháp được lấy ra nhiều lần, cho đến khi nhìn thấy những con giun một lần nữa. Điều này lặp đi lặp lại cho đến khi gò bao gồm phần lớn là giun.

Khi thu hoạch phân có thể tách trứng và kén đưa trở lại thùng, từ đó đảm bảo giun mới nở. 

Kén là những vật nhỏ, hình quả chanh màu vàng nhạt thường có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Kén có thể chứa tới 20 con giun (mặc dù 2-3 con là phổ biến nhất). Kén có thể nằm im trong hai năm nếu điều kiện không thuận lợi cho việc nở.

KẾT LUẬN

Trên đây là tất tần tật những điều bạn cần biết về phân trùn quế.

Có thể chúng ta đã quen với khái niệm "nông nghiệp hữu cơ" - là tập trung chủ yếu vào sản xuất thực phẩm không chứa hóa chất.

Nhưng với sự phát triển của phong trào nuôi trùn quế, sản xuất phân chất lượng, đây là lúc chúng ta cần khái niệm mới là "nông nghiệp sinh thái".

Nông nghiệp sinh thái nhấn mạnh vào việc bảo vệ tổng thể hệ sinh thái lương thực, nông trại và con người đồng thời cải thiện độ phì nhiêu của đất và phát triển nguồn thu nhập phụ cho nông dân. Liên Hiệp Quốc cũng đã xác nhận điều này.

Nuôi trùn quế là câu trả lời tốt nhất cho nông nghiệp sinh thái, đồng nghĩa với “nông nghiệp bền vững”. Qua đó có thể kết luận rằng trong thời điểm hiện tại, người được hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động này là môi trường của chúng ta.

Nếu thấy hay, hãy chia sẻ bài viết này đến mới mọi người. Để cùng nhau lan tỏa những giá trị lâu dài trong nông nghiệp nói chung cũng như toàn bộ hệ sinh thái môi trường của chúng ta.

Chúc sức khỏe và thành công.

Protected by Copyscape

Trích dẫn tham khảo:
Sujit Adhikary, "Vermicompost, the story of organic gold: A review", Agricultural Sciences, Vol.3 No.7(2012), DOI:10.4236/as.2012.37110.
Trần Văn Tài
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục